Đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong 6 tháng đầu, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sữa mẹ. Trong giai đoạn này, mẹ ăn gì thì con ăn nấy, do đó các bệnh lý của trẻ tiến triển nặng lên hay giảm nhẹ cũng phụ thuộc ít nhiều vào chế độ ăn của mẹ. Trong bài viết dưới đây, hãy tìm hiểu xem các mẹ cần phải kiêng ăn gì nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt nhé!
Nguyên nhân của việc trẻ sơ sinh bị đau mắt
Nguyên nhân của việc trẻ sơ sinh bị đau mắt rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn, vi rút, dị ứng… Đối với các bé có biểu hiện đau mắt vào giai đoạn sớm sau sinh, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng mắt do vi khuẩn trong âm đạo của mẹ. Nguyên nhân đáng chú ý nhất trong trường hợp này là vi khuẩn lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae). Vi khuẩn nhóm Chlamydia là nguyên nhân phổ biến nhất của nhóm này. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng rất phổ biến là do nhiễm vi rút. Trong giai đoạn sơ sinh, cơ thể của trẻ rất dễ bị tác động bởi các tác nhân bên ngoài, điều này được lý giải là do sự chưa hoàn thiện của hệ thống miễn dịch. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn và vi rút. Ngoài ra, một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là do sự kích ứng với thuốc. Một số loại thuốc dự phòng nhiễm trùng cho mắt có thể gây nên tình trạng đỏ và đau ở mắt của trẻ.
Biểu hiện cho thấy trẻ đang bị đau mắt
Đỏ mắt
Đỏ mắt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, xuất hiện ở hầu hết các trường hợp. Tình trạng đỏ mắt xảy ra là do tình trạng nhiễm trùng khiến các mạch máu kết mạc nông và/hoặc sâu giãn ra và cương tụ lại trên bề mặt kết mạc. Tình trạng đỏ mắt thường xuất hiện đầu tiên ở một mắt, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng lan truyền sang mắt còn lại sau 24 – 48 giờ. Để dễ quan sát hơn, bố mẹ có thể kéo nhẹ mi dưới của trẻ xuống để quan sát được chính xác nhất.
Mắt chảy ghèn và nước mắt nhiều
Khi mắt bắt đầu tăng tiết nước mắt và ghèn – các chất nhầy màu vàng do sự tập trung của các bạch cầu trong mắt, điều này được coi là một chỉ điểm tương đối tin cậy của tình trạng đau mắt ở trẻ. Lớp chất nhầy này sẽ tích tụ nhiều ở mắt, đặc biệt là các góc. Sự tích tụ sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc mở mắt sau khi ngủ dậy.
Mắt sưng phù
Sưng phù cũng là một biểu hiện thường thấy, tuy nhiên đây không phải là một dấu hiệu có thể dễ dàng phát hiện do khá kín đáo. Để phát hiện dấu hiệu này, người mẹ cần quan sát trẻ thường xuyên, theo dõi các dấu hiệu mí mắt và các vùng da xung quanh mắt ở trẻ. Việc mắt sưng phù nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng mở mắt của trẻ.
Một số dấu hiệu toàn thân
Thông thường, đau mắt không gây sốt hay mệt mỏi, cũng ít khi ảnh hưởng đến khả năng bú của trẻ. Thay vào đó, trẻ thường hay có xu hướng dụi mắt do đau và ngứa, đồng thời có thể quấy khóc nhiều hơn do khó chịu. Vì vậy, các mẹ cũng cần theo dõi các biểu hiện toàn thân để xác định các vấn đề ở trẻ.
Mẹ cần kiêng ăn gì nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt?
Nếu như đã xác định hoặc nghi ngờ tình trạng đau mắt ở trẻ. Bạn cần có một số lưu ý sau đây về chế độ ăn để giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn và hạn chế các biến chứng nặng nề hơn.
Kiêng ăn các món hải sản
Các món ăn hải sản rất giàu đạm và chất dinh dưỡng, thích hợp cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện đau mắt, mẹ nên tránh ăn các thực phẩm thuộc nhóm này. Nguyên nhân là vì trong hải sản còn có chứa một lượng lớn histamin, đây là các chất tham gia vào quá trình viêm, có thể khiến cho tình trạng viêm ở mắt trở nên trầm trọng và lâu khỏi hơn.
Kiêng ăn các món cay nóng
Các món ăn cay nóng là một món ăn được nhiều người ưa chuộng do tính kích thích vị giác. Việc ăn đồ cay nóng có thể kích thích việc ăn nhiều hơn, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp em bé đang bị đau mắt, mẹ nên tránh ăn thức ăn cay nóng do thức ăn cay có thể gây kích thích ở trẻ, làm trầm trọng hơn quá trình viêm nhiễm ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các món ăn gây nóng trong người như đồ chiên dầu mỡ, nướng cũng có thể khiến tình trạng đau mắt ở trẻ trầm trọng hơn. Bà mẹ nên thay thế bữa ăn bằng các món luộc, hầm sẽ phù hợp cho sự phục hồi của bé hơn.
Kiêng ăn rau muống
Rau muống là một loại thực phẩm rất phổ biến trong bữa cơm của người VIệt Nam. Đây là một thực phẩm rất bổ dưỡng do chứa nhiều chất xơ, kali và hàm lượng vi lượng nhiều loại vitamin. Đồng thời, rau muống cũng rất được ưa chuộng nhờ tính dễ ăn, dễ chế biến. Tuy nhiên trong trường hợp mẹ đang cho em bé bú mà em bé bị đau mắt, mẹ nên tránh ăn rau muống để tránh làm nặng thêm tổn thương mắt của bé.
Kiêng ăn các loại thức ăn chứa nhiều mỡ động vật
Các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ sẽ làm chậm quá trình phục hồi của bệnh của trẻ. Đồng thời, chất này còn làm tăng nguy cơ béo phì của trẻ và các bệnh lý tim mạch ở mẹ. Mẹ có thể thay thế bằng các loại mỡ làm từ thực vật sẽ tốt cho sức khoẻ mẹ và bé hơn
> Xem thêm:
- Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh như thế nào?
- Lông Mày Trẻ Sơ Sinh Đóng Vảy Là Do Đâu và Cách Xử Lý Hiệu Quả
Các biện pháp điều trị nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt
Ngoài việc kiêng ăn một số loại thực phẩm trên, các mẹ nên áp dụng thêm một số biện pháp sau đây nếu em bé có biểu hiện đau mắt:
Xây dựng chế độ ăn hợp lý cho bé: Nếu em bé đã đến tuổi tập ăn, mẹ nên cho trẻ thực hiện một chế độ ăn phù hợp với đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và chất xơ. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình phục hồi ở trẻ.
Duy trì việc vệ sinh mắt cho bé thường xuyên: Hãy thường xuyên vệ sinh vùng mắt cho trẻ bằng cách lau nhẹ càng lớp ghèn ở mắt, không để mắt em bé dí bẩn cũng như hạn chế để trẻ tiếp xúc môi trường nhiều bụi bẩn có thể xâm nhập vào mắt. Mẹ nên duy trì thực hiện 3 lần mỗi ngày vào các thời điểm sáng, trưa, tối. Khi lau, mẹ nên dùng khăn mặt riêng của bé hoặc gạc y tế, sau khi sử dụng, giặt sạch khăn hoặc vứt bỏ gạc, có thể kết hợp với nước muối sinh lý để tạo độ ẩm cũng như đảm bảo môi trường sinh lý ở mắt.
Một số lưu ý nếu như trẻ sơ sinh bị đau mắt
Sau đây là một số lưu ý mà các mẹ cần biết để dự phòng và xử lý nếu trẻ có tình trạng đau mắt:
- Thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ, bao gồm cả các biểu hiện tại mắt và toàn thân để phát hiện sớm nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào gợi ý đau mắt. Nếu như tình trạng đau mắt đã được xác định, hãy thường xuyên theo dõi diến tiến của bệnh, nếu diễn biến kéo dài hoặc xấu đi, hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Mát xa vùng quanh mắt của trẻ cũng là một cách tốt để giúp quá trình lành bệnh của trẻ diễn ra nhanh chóng hơn. Mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng cho trẻ, đều đặn 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 – 2 phút.
- Để tránh việc trẻ mắc các bệnh về mắt, mẹ nên rửa mặt đều đặn cho bé. Loại nước dùng để bé rửa mặt nên là nước sôi để nguội, hơi âm ấm, có thể pha loãng một ít muối. Khăn lau mặt cho bé nên được giặt sạch sau mỗi lần sử dụng. Không dùng chung khăn mặt với khăn lau các vùng khác.
Trên đây là bài viết “Trẻ Sơ Sinh Bị Đau Mắt Mẹ Kiêng Ăn Gì?“. Hy vọng bài viết vừa rồi đã cho các mẹ thêm kiến thức về việc dự phòng và xử lý tình trạng đau mắt của trẻ sơ sinh. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân để nhiều người được tiếp cận thông tin này hơn nhé!