Lông mày đóng vảy ở trẻ sơ sinh, hay còn gọi là cứt trâu ở lông mày trẻ sơ sinh là hiện tượng lông mày xuất hiện các mảng vảy màu trắng, vàng hoặc nâu. Hiện tượng này thường xuất hiện khi trẻ được vài tuần tuổi. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì và cách xử lý của nó như thế nào, hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết này nhé!
Tại sao lại xuất hiện lông mày đóng vảy ở trẻ sơ sinh?
Lông mày đóng vảy là một hiện tượng tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh sau khoảng một vài tuần sau sinh. Hiện tượng này thường biểu hiện với các mảng vảy xuất hiện ở lông mày, thường có màu trắng, vàng hoặc nâu nhạt như màu mật ong. Ngoài ra, vùng da bên dưới lông mày có thể có màu đỏ, sần sùi và khô. Trong dân gian, người ta còn gọi hiện tượng này là cứt trâu.
Nguyên nhân của việc lông mày đóng vảy ở trẻ sơ sinh là viêm da tiết bã – một bệnh lý thường thấy ở trẻ sơ sinh từ 1 đến 3 tháng tuổi, thường do sự tồn tại của các hormone mẹ truyền sang cho trẻ trong thời kỳ mang thai. Việc tồn tại của các hormone này khiến cho các tuyến dầu trên da của trẻ hoạt động mạnh hơn, tăng cường sản xuất các chất bã nhờn. Các chất bã nhờn này dễ dàng lắng đọng lại trên vùng lông mày, tạo thành các mảng vảy. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gặp ở một số vùng khác da đầu, trán, các vùng da có nếp gấp hoặc được quấn tả. Một số ý kiến khác cũng cho rằng việc lông mày đóng vảy có liên quan đến nấm men Malassezia, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có đầy đủ các bằng chứng cho giả thiết này.
> Xem thêm:
- Trị Nám Bằng Lòng Trắng Trứng Gà và Cồn Y Tế Có Hiệu Quả Như Lời Đồn?
- Mụn Mọc Ở Môi Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Cách xử lý hiện tượng lông mày đóng vảy ở trẻ sơ sinh
Để xử lý tình trạng đóng vảy ở lông mày, bạn đọc có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
Chải lông mày cho bé
Đây là phương pháp đơn giản và nhanh chóng nhất để loại bỏ các lớp vảy đóng trên lông may. Nhưng hãy thật nhẹ nhàng chi chải lông mày cho bé, do lông của trẻ rất dễ gãy và lớp da còn rất mỏng nên bé rất dễ bị tổn thương.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên dùng bàn chải đánh răng hoặc các loại bàn chải chuyên nghiệp để chải lông cho bé. Trước khi chải cho bé, hãy làm ướt lông mày để cho các mảng vảy mềm ra và dễ dàng được loại bỏ hơn. Khi chải, bạn nên chải theo một hướng. Hãy kiên trì thực hiện điều này 1 lần mỗi ngày cho đến khi bé hết hoàn toàn. Nếu như trẻ bị tổn thương da do trầy xước thì có thể giãn ra khoảng 2 đến 3 ngày/lần.
Vệ sinh sạch vùng lông mày kết hợp dưỡng ẩm
Ngoài việc chải lông mày, các mẹ cũng nên chú ý vệ sinh lông mày cho bé bằng các hoá chất tẩy rửa phù hợp. Các chất này vừa giúp kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, vừa giúp dưỡng ẩm cho lớp vảy dễ bị tróc ra hơn. Luôn duy trì lông mày của trẻ một độ ẩm thích hợp, tránh cho da trẻ bị khô, nứt nẻ.
Massage vùng da quanh lông mày cho bé
Trong quá trình lau mặt, bạn có thể sử dụng một chiếc khăn mềm để mát xa nhẹ nhàng vùng da bên dưới cũng như xung quanh lông mày của trẻ. Điều này cũng góp phần làm cho lớp vảy mềm và bong ra. Các mẹ cần lưu ý không nên chà xát vào da hoặc cố gắng cạo lớp vảy ra để tránh tổn thương da của trẻ.
Để đảm bảo vùng lông mày luôn được thông tháo, bạn nên tránh cho trẻ đội mũ hoặc trùm khăn trên đầu. Điều này có thể khiến trẻ dễ bị nóng và ra mồ hôi, cũng như môi trường kín thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Do đó, nếu như thời tiết không quá lạnh, hãy cố gắng cho trẻ mang đồ mỏng nhẹ, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
Sử dụng các loại tinh dầu
Trong trường hợp vảy quá dày, bạn có thể kết hợp thêm với dầu hạnh nhân hoặc dầu dừa thoa nhẹ lên lông mày của trẻ để lớp dầu này được bong ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng dầu ô liu do loại dầu này dễ gây kích ứng.
Khi nào thì nên đi khám?
Tình trạng đóng vảy ở lông mày thường không gây ra vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nào, đồng thời có thể tự giới hạn sau một thời gian. Tuy nhiên, bạn đọc cũng nên lưu ý hạn chế tình trạng này cho con trẻ do nó có thể ảnh hưởng đến vệ sinh của trẻ cũng như gây mất thẩm mỹ cho em bé.
Thông thường, vảy sẽ xuất hiện ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 sau sinh. Sau đó, nếu như không được điều trị, nó vẫn có thể tự giới hạn trong vài tháng đến khoảng 1 tuổi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bị kéo dài đến năm 2 – 3 tuổi.
Dù không thật sự nguy hiểm, nhưng bạn nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ gặp phải một trong các vấn đề sau đây:
- Tình trạng đóng vảy ở lông mày kéo dài đến sau 1 tuổi.
- Lông mày bắt đầu có chảy mủ hoặc dịch.
- Lông mày bị bong tróc nhiều, nứt nẻ da, gây ngứa nhiều ở trẻ khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú…
Trên đây là bài viết “Lông Mày Trẻ Sơ Sinh Đóng Vảy Là Do Đâu và Cách Xử Lý Hiệu Quả“. Hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp cho bạn đọc hiểu được nguyên nhân và cách xử lý đối với các trường hợp trẻ sơ sinh bị đóng vảy ở lông mày. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân để nhiều người được tiếp cận thông tin này hơn nữa nhé!