Bệnh động kinh (theo y học cổ truyền gọi là Giật kinh phong) là một căn bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của rất nhiều người. Hiện nay, điều khiến nhiều người mắc bệnh động kinh quan tâm là liệu bệnh lý này có di truyền trong thế hệ sau hay không. Để tìm câu trả lời, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh động kinh là gì?
Bệnh động kinh là một bệnh lý mãn tính do các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương xảy ra trước sinh hoặc do sang chấn. Các tổn thương này đãn tới sự phóng điện bất thường và không kiểm soát của một số tế bào hoặc toàn bộ não bộ. Biểu hiện thường thấy của động kinh là co giật, tuy nhiên co giật không phải và triệu chứng duy nhất. Trong một số thể động kinh có thể không có co giật mà thay thế bằng các cơn vắng ý thức hoặc co cứng tay chân.
Nguyên nhân của bệnh động kinh
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh động kinh, trong đó các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Các tổn thương trước sinh: Nếu như trong thời kỳ mang thai, mẹ bị một số bệnh lý nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng, bổ sung không đầy đủ các vitamin và khoáng chất sẽ khiến em bé bị thiếu nhiều
- Các yếu tố di truyền: Theo một số báo cáo gần đây, bệnh động kinh có sự liên quan đến một số bất thường về gen. Sự tồn tại của các gen này không hẳn là nguyên nhân trực tiếp gây ra động kinh, tuy nhiên, những người mang gen thường có biểu hiện nhạy cảm hơn với các tác động của môi trường, gây ra bệnh động kinh. Nói cách khác, sự tồn tại của các bất thường về gen này là yếu tố làm dễ chứ không hẳn là yếu tố quyết định và khẳng định bệnh.
- Chấn thương đầu: Một số tai nạn nghiêm trọng vùng đầu có thể gây ảnh hưởng đến một số tế bào não, dẫn tới sự phóng điện bất thường của các tế bào này. Đây được coi là một nguyên nhân gây ra động kinh thứ phát.
- Các bệnh lý liên quan đến não: Các nhiễm trùng não, màng não, bệnh lý u ở não có thể gây ra bệnh động kinh. Do đó, việc tiêm chủng vaccine, ngăn ngừa các nhiễm trùng máu, nhiễm trùng thần kinh là điều rất cần thiết để ngăn chặn bệnh lý động kinh.
- Co giật do sốt: Co giật do sốt là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi. Thông thường, việc một đứa trẻ co giật do sốt đơn thuần không làm tăng đáng kể nguy cơ động kinh. Ngược lại, các trường hợp co giật do sốt nhiều lần hoặc co giật do sốt phức tạp có nguy cơ tiến triển thành động kinh cao trong tương lai.
- Vô căn: Nhiều trường hợp động kinh được ghi nhận không hề có yếu tố di truyền hay bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Trong các trường hợp này, chúng ta gọi là động kinh vô căn hoặc động kinh nguyên phát.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ít phổ biến hơn khác như: lạm dụng thuốc chống trầm cảm, lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, ma tuý…
Bệnh động kinh có di truyền không?
Câu trả lời là CÓ. Bệnh lý động kinh hoàn toàn có thể di truyền cho các thế hệ sau. Nếu như có càng nhiều người mắc động lý động kinh trong gia đình, nguy cơ mắc động kinh cho các thế hệ sau càng cao. Tỷ lệ di truyền cao nhất thường gặp đối với các trường hợp bố hoặc mẹ mắc động kinh vô căn (động kinh nguyên phát). Tuy nhiên, việc bố hoặc mẹ mắc bệnh động kinh không phải là một bằng chứng chắc chắn của việc con cái sinh ra sẽ mắc bệnh động kinh.
Theo các báo cáo đã được ghi nhận, tỷ lệ động kinh di truyền cho thế hệ sau trung bình khoảng 2%. Đối với các trường hợp bố mẹ bị động kinh di truyền cho con cái:
- Nếu cả bố và mẹ bị động kinh thì tỷ lệ di truyền cho con trung bình là 5%. Đối với động kinh toàn thể thì tỷ lệ này dao động từ 9 – 12%.
- Nếu chỉ có mẹ mắc bệnh động kinh, tỷ lệ di truyền sang thế hệ con là 5%. Nếu là di truyền từ bố, tỷ lệ này chỉ khoảng 2 – 4%.
Như vậy, động kinh có thể di truyền cho thế hệ sau. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp động kinh đều di truyền và tỷ lệ di truyền cũng không quá lớn.
Các biểu hiện của bệnh động kinh
Hiện nay, theo phân loại của Liên đoàn Quốc tế Chống động kinh Thế giới (ILAE), động kinh được chia thành hai loại là động kinh khu trú và động kinh toàn thể.
Động kinh khu trú
Các cơn động kinh khu trú là tình trạng động kinh xảy ra do sự bất thường trong phóng điện của một số tế bào não nhất định. Điều này dẫn tới tình trạng đến tình trạng động kinh chỉ khu trú tại một số phần nhất định của cơ thể, theo đó, chúng ta lại phân loại động kinh khu trú thành hai nhóm chính:
- Động kinh khu trú không kèm mất ý thức: Là tình trạng động kinh một phần nhưng không gây ảnh hưởng đến ý thức. Dạng động kinh này có thể kèm theo thay đổi cách nhìn, nghe, ngửi, xúc giác hay một số bộ phận xảy ra tình trạng co giật nhưng không hề ảnh hưởng đến ý thức.
- Động kinh khu trú kèm mất ý thức: Là tình trạng động kinh một phần làm mất hoặc thay đổi ý thức. Trong cơ động kinh bệnh nhân có thể không đáp ứng với bất kỳ kích thích bên ngoài nào. Sau cơn bệnh nhân không nhớ được những gì đã xảy ra trước đó
Động kinh toàn thể
Động kinh toàn thể là tình trạng động kinh xảy ra với toàn bộ cơ thể thay vì chỉ một số bộ phận nhất định như động kinh khu trú. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân tự khiến mình bị tổn thương trong khi động kinh, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh động kinh có điều trị được không?
Hầu hết các cơn động kinh có thể được khống chế bằng các thuốc chống co giật, còn gọi là thuốc chống động kinh. Nhìn chung các bệnh nhân động kinh phần lớn đều đáp ứng tốt với các loại thuốc chống động kinh. Tuy nhiên, do đặc tính gây độc cao cùng với nhiều tác dụng phụ phức tạp, việc quyết định điều trị chống định kinh là một quyết định tương đối khó khăn và cần có sự chắc chắn trong chẩn đoán. Bệnh nhân động kinh sẽ được điều trị bằng liều thấp nhất có hiệu quả để hạn chế các tác dụng phụ này. Đối với trẻ em, thời gian uống thuốc sẽ kéo dài đến 6 – 18 tháng sau cơn động kinh cuối cùng. Đối với người lớn, thời gian này thường kéo dài tới 2 – 3 năm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi các tác dụng phụ của thuốc để dự phòng và điều trị kịp thời.
Hiện nay, nếu việc điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả như mong muốn, vẫn có thể chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên, chỉ định cho phẫu thuật này là rất hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến phẫu thuật.
Trên đây là bài viết “Bệnh Động Kinh Có Di Truyền Không?“. Hy vọng bài viết trên đã cho bạn câu trả lời cho câu hỏi vừa rồi. Nếu như thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân để nhiều người có thể tiếp cận được thông tin này hơn nhé!