Chọc ối là một phương pháp xét nghiệm có xâm lấn thường được thực hiện để sàng lọc trước sinh với độ chính xác cao nhất. Xét nghiệm này giúp xác định các rối loạn di truyền cũng như các bất thường nhiễm sắc thể ở trẻ. Tuy nhiên, do tính chất xâm lấn nên phương pháp này đi kèm một vài rủi ro nhất định như gây tổn thương cho thai nhi, dò ối, sảy thai…
Chọc ối được thực hiện như thế nào?
Chọc ối được thực hiện từ tuần thứ 16 – 24 của thai kỳ, tối ưu nhất là tuần thứ 18 đến 22 (+6). Phương pháp này thường được chỉ định đối với các sản phụ có kết quả Double test và Triple test có nguy cơ cao. Chọc ối có thể xác định được các bất thường nhiễm sắc thể nghiêm trọng ở trẻ bao gồm Down, Patau, Edwards và các dị tật bẩm sinh khác với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.
Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện một quy trình gồm các bước như sau:
- Cho sản phụ nằm với tư thế thoải mái theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm xác định tư thế và các tình trạng của thai nhi.
- Dựa vào kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ đồng thời xác định vị trí chọc ối an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Sau khi xác định xong, bác sĩ sẽ vệ sinh sạch sẽ vùng bụng cho thai phụ bằng chất sát khuẩn rồi tiến hành tiêm thuốc tê tại chỗ qua da.
- Bác sĩ sử dụng một đầu tiêm dài và mỏng, chọc kim vào vị trí đã được xác định và khử trùng trước đó, lấy ra khoảng 15 – 20 ml dịch ối. Quá trình này sẽ kéo dài khoảng 30 giây. Sau đó mẫu nước ối được lấy ra sẽ lập tức được đưa đi xét nghiệm để đánh giá các chỉ số cần thiết.
- Sau khi đã lấy xong, bác sĩ sẽ kiểm tra lại thai phụ và thai nhi, đánh giá tình trạng mẹ và em bé để chắc chắn rằng trẻ vẫn khoẻ mạnh và không bị ảnh hưởng gì sau khi chọc ối.
Có được ăn trước khi chọc ối không?
Câu hỏi liệu có cần phải nhịn ăn hay kiêng cữ gì trước khi chọc ối hay không là câu hỏi chung của rất nhiều bà mẹ mang thai. Câu trả lời là không cần, bà mẹ không cần phải nhịn ăn hay tránh bất kỳ loại thức ăn gì. Chọc ối có thể thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không phụ thuộc vào bữa ăn.
Những câu hỏi thường gặp liên quan đến chọc ối
Vì sao cần phải chọc ối?
Chọc ối là một phương pháp sàng lọc trước sinh có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Giúp chẩn đoán hoặc loại trừ nhiều dị tật ở thai nhi. Từ đó có thể đưa ra được biện pháp điều trị sớm hoặc chấm dứt thai kỳ nếu cần thiết.
> Xem thêm:
- Phụ Nữ Có Thai Uống Thuốc Đau Răng Được Không?
- Nhức Mỏi Tay Chân khi Mang Thai 3 Tháng Đầu, Nguyên nhân do đâu?
Chọc ối có nguy hiểm hay không?
Mặc dù chọc ối mang lại nhiều lợi ích cho các bác sĩ sản khoa và bà mẹ trong việc chẩn đoán sớm và điều trị các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Tuy nhiên, do tiềm ẩn một vài rủi ro nên chỉ định của xét nghiệm này tương đối hạn chế và cần nhiều điều kiện. Các rủi ro thường thấy bao gồm rò rỉ dịch ổi, nhiễm trùng, tổn thương thai nhi… Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện nay, tỷ lệ tai biến xảy ra hiện nay là rất thấp, chỉ khoảng 1%.
Chọc ối được thực hiện cho những ai?
Dù bà mẹ mang thai ở bất kỳ độ tuổi nào hay có bất cứ vấn đề nào hay không trong quá trình mang thai, sản phụ vẫn nên thực hiện sàng lọc trước sinh cuối quý I (khoảng 3 tháng đầu). Các kết quả của sàng lọc trước sinh quý I sẽ trả lời câu hỏi liệu họ có cần phải thực hiện chọc ối hay không.
Sau khi chọc ối cần làm những gì?
Sau khi đã thực hiện xong thủ thuật chọc ối, sản phụ sẽ được giữ lại bệnh viện để theo dõi 30-60 phút để đề phòng các tai biến cấp tính. Sau đó bạn có thể về nhà để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bạn ở quá xa bệnh viện, bạn có thể thuê nhà nghỉ hoặc khách sạn gần đó để nghỉ ngơi một ngày trước khi trở về. Sau khi chọc ối trong khoảng hai tuần, hãy dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, đặc biệt là các hoạt động nhiều thể lực hoặc mang vác vật nặng.
Một số lưu ý mà bà mẹ cần nhớ
Mặc dù chọc ối là một phương tiện rất tuyệt vời trong sản khoa, các lợi ích mà phương pháp này đem lại là không thể bàn cãi. Tuy nhiên do đây là một phương pháp xâm lấn và tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, bà mẹ cần lưu ý một số điều sau đây trước khi thực hiện:
- Phương pháp này sẽ không được thực hiện với các sản phụ có các bệnh lý tim mạch.
- Sau khi chọc ối, cần tránh đi lại nhiều, hoạt động quá sức, tránh tuyệt đối một số việc sau đây: quan hệ tình dục, stress căng thẳng, mệt mỏi…
- Nếu xảy ra bất kỳ bất thường nào, hãy báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời.
- Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nếu không có sự cho phép của bác sĩ.
Trên đây là bài viết “Có Được Ăn Trước Khi Chọc Ối Và Những Điều Cần Biết Về Chọc Ối“. Hy vọng bài viết này đã cung cấp thêm một số thông tin hữu ích cho các bà mẹ đã, đang và có ý định mang thai trong tương lai. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ thông tin này cho bạn bè, người thân và những bà bầu khác cùng được biết nhé!