Khi mang thai 3 tháng đầu, nhiều bà mẹ thường gặp phải vấn đề nhức mỏi tay chân. Vậy nguyên nhân của điều này là gì? Giải quyết ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn đọc trả lời những thắc mắc này nhé!
Nguyên nhân khiến nhiều bà mẹ nhức mỏi tay chân khi mang thai 3 tháng đầu
Các nguyên nhân thường gặp của việc nhức mỏi tay chân khi mang thai 3 tháng đầu bao gồm:
Do di truyền
Khi mang thai, một số bà mẹ có hiện tượng giãn nở các tĩnh mạch. Điều này đảm bảo cho thai nhi được cung cấp đầy đủ oxy và các dưỡng chất, đảm bảo cho quá trình của thai nhi được diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi các tĩnh mạch giãn ra và căng lên, các van tĩnh mạch không thể đóng lại, khiến máu không thể tuần hoàn một chiều như bình thường mà chảy ngược về trước, gây ứ đọng ở tĩnh mạch. Điều này khiến cho nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng sưng phù hai chân khi mang thai.
Nguyên nhân của điều này thường là do di truyền. Nếu trong gia đình bạn đã từng có người đã được xác định giãn tĩnh mạch khi mang thai thì nguy cơ bạn cũng bị là rất cao. Nếu trong gia đình bạn không có ai từng gặp phải tình trạng này, tỷ lệ này chỉ là 20%.
Do sự thay đổi nội tiết tố khiến mô bị giãn nở
Trong 3 tháng đầu khi mang thai, các bà mẹ thường có sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố. Trong đó, quan trọng nhất là sự tăng cao của estrogen và progesterone, điều này gây ra nhiều thay đổi lên cơ bắp, khiến các cơ bị giãn nở, gây đau nhức, tê mỏi. Điều này có thể diễn ra trong suốt thời kỳ mang thai.
Do tăng cân đột ngột khiến tay chân nhức mỏi
Trong thời kỳ mang thai, các bà mẹ sẽ tăng cân rất nhanh, điều này khiến bộ xương phải gánh chịu một áp lực lớn hơn bình thường. Sự tăng cân nhanh sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi, gây đau nhức, mỏi cơ. Tuy nhiên, đây không phải là lý do hàng đầu khiến bà mẹ nhức mỏi tay chân trong 3 tháng đầu. Nguyên nhân là vì tốc độ tăng cân trong 3 tháng đầu thường là chậm, mặt khác, tình trạng ốm nghén nặng còn khiến một số bà mẹ bị sụt cân. Thai nhi trong 3 tháng đầu cũng chỉ mới bắt đầu hình thành, với cân nặng và kích thước không đáng kể. Tình trạng nhức mỏi do tăng cân chủ yếu đến trong 3 tháng cuối, khi thai nhi phát triển nhanh về cân nặng và tình trạng ốm nghén đã kết thúc, trung bình một bà mẹ tăng từ 10 đến 15kg và cuối thai kỳ.
Ít vận động gây nhức mỏi
Thường việc mang thai khiến nhiều bà mẹ hạn chế việc vận động để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nhiều bà mẹ dành nhiều thời gian để nằm và lười di chuyển khiến cho tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng nhức mỏi tay chân.
Bà mẹ bị thiếu các dưỡng chất cần thiết
Dinh dưỡng là một điều rất cần thiết khi mang thai. Phụ nữ cần chú ý bổ sinh đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trước khi bắt đầu mang thai. Trong đó, việc thiếu 3 dưỡng chất canxi, magie và nước thường gây ra tình trạng nhức mỏi tay chân ở bà mẹ.
- Thiếu Canxi: Việc thiếu canxi gây ra nhiều cản trở cho quá trình trao đổi của kênh Na-Ca, ảnh hưởng lên quá trình vận cơ. Trong thời kỳ mang thai, thai nhi thường lấy canxi từ mẹ cho quá trình tổng hợp xương, khiến bà mẹ thường gặp phải tình trạng thiếu canxi. Do đó, cần bổ sung canxi trong thời kỳ mang thai, với lượng khoảng 1200mg/ngày để đảm bảo nhu cầu của thai nhi cũng như tránh gây hạ canxi ở bà mẹ.
- Thiếu Magie: Magie đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các cơn co giật do tiền sản giật, tránh được việc đẻ non và giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc thiếu hụt magie cũng gây ra sự nhức mỏi tay chân ở bà mẹ.
- Thiếu nước: Khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ nước, khả năng trao đổi chất bị ảnh hưởng, các sản phẩm chuyển hoá bị ứ đọng cũng có thể gây ra tình trạng nhức mỏi cơ.
Vận động sai tư thế
Trong quá trình mang thai, do các giới hạn về vận động liên quan đến thai nhi dẫn tới các thay đổi về hành vi hoạt động. Các thay đổi này có thể khiến bà mẹ có một số tư thế sai khi vận động, nằm, khiến cơ thể đau nhức, mệt mỏi.
> Xem thêm:
Cách để giải quyết tình trạng nhức mỏi tay chân ở bà mẹ mang thai 3 tháng đầu
Đau mỏi tay chân là một vấn đề thường gặp ở các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, gây ra một số khó chịu cho cơ thể. Do đó, cần có một số thay đổi trong thói quen để giải quyết tình trạng này. Sau đây là một số giải pháp mà chúng tôi đưa ra:
Bổ sung đầy đủ các yếu tố vi lượng
Bà mẹ cần phải bổ sung đầy đủ các yếu tố vi lượng trước và trong thời kỳ mang thai, bao gồm sắt, canxi, acid folic, magie. Điều này vừa đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi, giảm thiểu các nguy cơ về dị tật thai nhi, sinh non, thai chậm phát triển trong tử cung, đồng thời giúp tránh được các vấn đề xảy ra ở bà mẹ khi mang thai, bao gồm nhức mỏi tay chân. Các yếu tố này có thể bổ sung bằng chế độ ăn chứa các yếu tố vi lượng này, hoặc tốt nhất là các viên thuốc bổ cho bà mẹ. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải uống các viêm thuốc chứa các yếu tố này theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, phù hợp với thai kỳ
Bà mẹ cần có một chế độ ăn hợp lý, với đầy đủ chất dinh dưỡng theo tỷ lệ phù hợp, uống nhiều nước. Điều này sẽ vừa đóng góp chất dinh dưỡng phù hợp cho thai nhi phát triển, vừa thúc đẩy sự tiết ra của các hormone bà mẹ khi mang thai, sự phát triển của tử cung và bánh nhau.
Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng:
- Uống nhiều nước, khoảng 2 – 2,5 lít mỗi ngày.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, bao gồm có tôm, cua, sữa, cá…
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh, nhằm bổ sung các chất xơ, vitamin và muối khoáng, ngăn ngừa táo bón.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, bia, rượu.
- Không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ dầu mỡ, các món ăn quá mặn hoặc quá nhiều axit.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, vận động, nghỉ ngơi
Bạn nên xây dựng cho bản thân một chế độ vận động, nghỉ ngơi phù hợp. Thông thường, bà mẹ mang thai nên vậng động ít hơn và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi trong thai kỳ. Tuy nhiên, không nên nằm nghỉ quá lâu mà hãy kết hợp với việc thực hiện một số động tác vận động nhẹ nhàng dành cho bà mẹ mang thai.
- Hãy cân nhắc việc thay đổi tư thế nằm ngủ nếu bạn cảm thấy nhức mỏi nhiều sau khi ngủ dậy.
- Nếu phải ngồi làm việc quá lâu, trong một tư thế, thỉnh thoảng hãy đứng lên và đi lại vài phút. Điều này sẽ giúp cho các cơ được căng giãn, các khớp được vận động tránh gây cứng khớp.
- Có thể kết hợp massage, chườm nóng ở những vùng đau nhức.
- Không được tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
Trên đây là bài viết “Nhức Mỏi Tay Chân khi Mang Thai 3 Tháng Đầu, nguyên nhân do đâu?“. Hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về nguyên nhân cũng như tìm ra giải pháp cho những cơn đau, nhức mỏi tay chân trong thai kỳ. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân để bài viết này được tiếp cận nhiều người hơn nữa nhé!